GIỚI THIỆU:
Khàn tiếng (hoarseness) là triệu chứng không đặc hiệu của nhiều bệnh ở thanh quản từ những polype lành tính đến những khối ung thư đe dọa đến tính mạng.
Triệu chứng của Khàn tiếng rất dễ nhận thấy nhưng nhiều người không để ý, đến khi bệnh nặng gây nhiều biến chứng nguy hiểm mới tìm đến thầy thuốc.
Trong bài viết sau đây sẽ đề cập đến một kỹ thuật mới trong việc tầm soát nguyên nhân gây khàn tiếng, và việc điều trị chúng hiệu quả nhất cho các trường hợp dohạt xơ dây thanh, polyp dây thanh, nang nước dây thanh, virus Papilloma, HPV qua nội soi ống mềm.
Cấu tạo cơ quan phát âm:
Cơ quan phát âm của con người có cấu tạo rất phức tạp. Trong đó, thanh quản đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành lời nói. Lời nói được tạo ra khi có luồng không khí từ phổi đi lên; sự rung động của dây thanh tác động lên cột không khí này, tạo nên âm thanh. Khi phát âm, dây thanh đóng kín, hình dạng dây thanh có thể biến đổi lúc dày, lúc mỏng, khi căng ít, khi căng nhiều… tùy theo nhu cầu phát âm.
Các rối loạn về giọng xuất hiện do sự biến đổi nhất thời hoặc lâu dài của chức năng phát âm. Triệu chứng chủ yếu là khàn tiếng hoặc mất tiếng do sự rung động của dây không đều, hoặc hai dây thanh khép không kín khi phát âm
NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ KHÀN TIẾNG:
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khàn tiếng, nhưng tựu chung có thể phân ra làm 2 nhóm như sau:
NGUYÊN NHÂN DO TỔN THƯƠNG TRÊN DÂY THANH
Viêm mãn, hạt xơ, nang nước, polype dây thanh :
Thường gặp ở những người có công việc thường phải nói nhiều, nói to như giáo viên, phát thanh viên, người bán hàng, diễn viên kịch… rất dễ mắc bệnh trên . Biểu hiện thường thấy là khàn tiếng hoặc mất tiếng.
Khàn tiếng ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động nghề nghiệp, có người thậm chí phải nghỉ việc, bỏ nghề.Tỷ lệ người mắc khàn tiếng do nguyên nhân này khá cao. Bệnh liên quan tới nhiều yếu tố nguy cơ như thời gian làm việc kéo dài, cường độ của giọng lớn, thói quen hút thuốc lá, uống rượu hoặc mắc một số bệnh kèm theo như viêm mũi xoang (chủ yếu là các viêm xoang sau), viêm amidan, viêm dạ dày… Những người làm việc trong môi trường tiếng ồn cao, bụi bẩn, độc hại, nhất là bụi than và bụi hóa chất… cũng dễ mắc bệnh.
Nội soi : thấy những tổn thương tại chỗ như viêm mạn tính (làm dây thanh dày và cứng, rung động kém), hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh, u nang dây thanh
Ung thư dây thanh:
Thường gặp ở người khoảng 40 tuổi, hút thuốc lá nhiều, kéo dài, khàn tiếng ngày càng tăng, thỉnh thoảng ho khan, giai đoạn sau ho khạc ra máu; giọng nói cứng, sút cân.
Nội soi phát hiện u, sùi niêm mạc dây thanh, giai đoạn trễ có thể ung thư xâm lấn vào xoang lê, thực quản gây nuốt đau, nuốt vướng. U chèn ép vào khí quản gây khó thở. Nếu phát hiện sớm nên điều trị bằng phẫu thuật cắt u và xạ trị , bệnh gần như khỏi.
Lao thanh quản:
Hay gặp sau một lao phổi (55%) hoặc lao hạch, tuổi từ 20-40. Lao thanh quản chia ra ba giai đoạn:
- Nói khàn, giọng đôi, dần dần mất tiếng, ho khan.
Nội soi : thấy thanh quản bạc màu, sụn phễu màu đỏ. - Giọng trầm, thấp, run run, khó thở, tiếng nói rè.
Nội soi:có thể thấy tổn thương lao và các hạt lao trên dây thanh. - Bệnh nhân mất giọng, nuốt rất đau đớn, không ăn uống được.Giai đoạn trễ có thể dẫn đếnsẹo hẹp thanh- khí quản, gây khó thở.
Nội soi :có thể thấy tổn thương sùi, loét, giả mạc trắng, bề mặt tổn thương “dơ” và các hạt lao trên dây thanh, thường có kèm theo lao phổi, bệnh nhân sẽ được sinh thiết ra giải phẩu bệnh lao và sẽ được điều trị kháng lao.
NGUYÊN NHÂN DO HỆ THẦN KINH
Tổn thương dây thần kinh quặt ngược gây liệt dây thanh :
Do viêm, sau mổ bướu cổ, sau chấn thương thanh quản,mổ ngực, u trung thất, u phổi di căn trung thất gây xâm lấn, chèn ép : Khàn tiếng, phát âm bé, phát âm khó khăn rồi không phát âm được, không khó nuốt. Ngoài ra các bệnh lý khác cũng gây khàn giọng như u thực quản, hạch ở quanh khí phế quản, phình tách động mạch chủ, u tuyến giáp trạng. Thường bệnh phát triển âm thầm hay rầm rộ, nhưng khi gây khàn tiếng là thường giai đoạn cuối, bệnh tiến triển rất nặng, tiên lượng xấu.
Nội soi : thấy một bên dây thanh không cử động. Khi liệt lâu, dây thanh teo lại, sụn phễu vẹo sang bên.
Tổn thương não gây liệt dây thanh:
Do các bệnh u não, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, viêm não, làm tổn thương vùng Broca. Thường nói ngọng và mất tiếng, kèm theo liệt họng, liệt màn hầu cùng với các triệu chứng thần kinh như liệt nửa người, có khi hôn mê.
Nội soi : phát hiện liệt dây thanh một hoặc hai bên tùy theo bệnh lý thần kinh