1 Nguyên nhân:
1.1 Tai nạn: thường gặp do tai nạn giao thông, cũng gặp do tai nạn lao động, thể thao như tay máy đập vào mặt, chơi xà, quyền anh.
1.2 Bị đánh: với vật cứng như gậy, gạch hay do bị đấm vào mũi.
1.3 Do hoả khí: mảnh bom, đạn… bắn vào.
2 Chẩn đoán: Dựa vào các tính chất và thăm khám.
2.1 Chảy máu mũi: bao giờ cũng gặp, mức độ nhiều hay ít, chảy ra mũi trước hay mũi sau xuống họng, tự cầm hay không tuỳ vào tính chất của tổn thương.
2.2 Biến dạng mũi: thường gặp ở sống mũi hay gốc mũi, có thể bị sập, bị gẫy sập, bị đẩy lệch sang 1 bên, bị vẹo, gồ xương chồng lên nhau tuỳ theo tổn thưởng xương chính mũi, vách ngăn mũi hay cả hai. Cũng gặp rách da, giập sụn cánh mũi.
Cần lưu ý sau khi bị chấn thương vài giờ, do phần mềm mũi và vùng mắt má bị bầm tím, phù nề, sưng tấy nên khó đánh giá được biến dạng.
2.3 Khám: Sờ nắn vùng chấn thương tìm vị trí đau nhói, di lệch bất thường của xương chính mũi, có thể thấy có tràn khí dưới da mũi và vùng kế cận.
– Soi mũi trước, tìm vùng chảy máu: thường ở điểm mạch của vách ngăn, cuốn dưới hay khu trên. Vách ngăn có thể bị gẫy, sập, có tụ máu hoặc rách lộ mảnh sụn hay xương.
– Chụp XQ rất cần thiết nhất là khi có sưng nền rất khó xác định. Trên 2 tư thế sọ nghiêng và Blondeau sẽ cho thấy tổn thương của xương chính mũi.
3 Hướng xử trí.
3.1 Nếu có gãy xương chính mũi có thể dung cái bay hay cán dao mỏng nâng từ bên trong hốc mũi lên, để mảnh xương gẫy về đúng vị trí rồi nhét bấc cố định.
Xương chính mũi hàn lại rất nhanh nên phải xử trí sớm, nếu không phải gửi đi chuyên khoa sớm, để chậm xương hàn lại thành dị hình phải mở chỉnh hình phức tạp.
3.2 Nếu có chảy máu mũi tuỳ mức độ nhét bấc mũi trước , sau hay phải buộc mạch để cầm máu.
3.3 Nếu vết thương hở phải rửa sạch cắt lọc tiết kiệm, khâu lại theo đúng lớp, nhét bấc mũi để cố định.